Bài tham khảo: Ôn truyền thống ngày nhà giáo Việt Nam và truyền thống nhà trường qua 45 năm ra đời và trưởng thành.

PHÒNG GD & ĐT HÀM YÊN                   CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TRƯỜNG THCS ĐỨC NINH                             ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC

KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

20-11-2010

Kính thưa các vị đại biểu !

Kính thưa các thầy giáo, cô giáo lão thành!

Thưa các thầy giáo, cô giáo, cán bộ nhân viên đương nhiệm

Các em học sinh yêu quý!

Nhân dịp kỷ niệm 28 năm ngày nhà giáo Việt nam 20/11 xin thay mặt chi bộ Đảng nhà trường, lãnh đạo trường, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ nhân viên cùng 360 em học sinh của nhà trường nhiệt liệt chúc mừng các quý vị đại biểu, các nhà giáo lão thành, các thầy giáo, cô giáo. Kính chúc  các quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo luôn mạnh khỏe- Hạnh phúc và thành đạt.

Kính thưa các vị đại biểu !

Kính thưa các thầy cô giáo

Các em học sinh yêu quý!

Theo truyền thống  ngày nhà giáo Việt Nam là dịp để chúng ta gặp gỡ chúc mừng các thế hệ thầy giáo cô giáo và cũng là dịp để các thế hệ học sinh bầy tỏ tấm lòng đền đáp công ơn dạy dỗ và dìu dắt của các thầy giáo, cô giáo. Tất cả chúng ta hôm nay ai cũng nhớ đến những thầy cô giáo của riêng mình. Chính vì vậy ngày này trở thành ngày hội, không chỉ của những người làm công tác giáo dục đào tạo mà còn là của tất cả các thể hệ học sinh, của các bậc phụ huynh và của toàn xã hội.

Vậy lịch sử của ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 được bắt nguồn tư đâu?  

Kính thưa các vị đại biểu !

Kính thưa các thầy cô giáo

Các em học sinh yêu quý!

Tháng 7 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục.

Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.

Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của FISE từ năm 1953 (hội nghị có 57 nước tham dự), đã quyết định trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30 tháng 8 năm 1957 tại Warszawa, lấy ngày 20 tháng 11 năm 1958 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Ngày này lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc Việt Nam. Những nǎm sau đó, ngày lễ này được còn tổ chức tại nhiều vùng ở miền Nam Việt Nam dưới kiểm soát của phe Cộng sản. Hàng nǎm vào dịp kỷ niệm 20 tháng 11 cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong các vùng khác, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của những giáo viên kháng chiến.

Khi nước Việt Nam thống nhất, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày 28 tháng 9 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20 tháng 11 hàng  năm là ngày lễ mang tên “Ngày nhà giáo Việt Nam”.

Kính thưa các vị đại biểu !

Kính thưa các thầy cô giáo

Các em học sinh yêu quý!

Dân tộc Việt Nam vốn hiếu học và có truyền thống tôn sư trọng đạo, nhân dân ta hiểu rằng muốn trở thành người có ích cho xã hội thì phải học và muốn học cho thông, cho hiểu thì phải biết yêu mến kính trọng thầy giáo, cô giáo. Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta có biết bao tấm gương sáng của nhà giáo Việt Nam mà mỗi thời kỳ đều có những thầy cô giáo tiêu biểu:

– Dưới chế độ phong kiến những thầy giáo chân chính không tự dàng buộc mình trong quan niệm trung quân ái quốc, họ đứng về phía nhân dân, tán thành cách nhìn của nhân dân như thầy Chu Văn An, Nguyễn Bình Khiêm, Lương  Đắc Bằng, Cao Bá Quát…

– Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta trong hành ngũ những người yêu nước chống pháp bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng luôn luôn có sự tham gia của ông thầy dạy học như Lương Văn Can, Phan Bội Châu, Tống Duy Tân, Nguyễn Quyền, Tiêu biểu cho lực lượng thầy giáo chống Pháp là Nguyễn Đình Chiểu một người thầy – một nhà thơ và một nhà yêu nước chông Pháp đến cùng.

– Lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, trước lúc bắt đầu của cuộc đời hoạt động cách mạng của mình để tìm đường cứu nước đã có một thời dạy học ở Phan Thiết. Đó chính là thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở Trường Dục Thanh. Sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học đã trở thành một niềm vinh dự lớn lao cho giáo giới Việt Nam ngày nay.

– Trong thời kỳ trước và sau Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, nhiều thầy giáo đã giữ những vai trò lịch sử, lãnh đạo cách mạng Việt Nam và đưa dân tộc Việt Nam dành thắng lợi như hôm nay. Như thầy Nguyễn Đức Cảnh, Thầy Trần Phú, thầy Nguyễn Văn Cừ, thầy Trường Trinh, thầy Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự…

– Từ ngày cách mạng tháng tám thành công đến nay đội ngũ thầy cô giáo ngày càng lớn mạnh có nhiều công hiến trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong hoàn cảnh 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vô cùng gay go ác liệt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức cách mạng của thầy cô giáo đã được hình thành như:  Nghiệp đoàn giáo giới ra đời năm 1952. Hội liên hiệp giáo dục ra đời năm 1956. Đặc biệt ngày 20/11/1963 hội nhà giáo Việt Nam yêu nước ra đời đã cổ vũ, động viên lực lượng giáo giới Việt Nam tham gia đấu tranh hợp pháp và trực tiếp vào chiến khu cho các mạng.

– Qua 2 cuộc kháng chiến của dân tộc lực lượng thầy cô giáo đã có những đóng góp to lớn về công sức và  cả xương máu của bản thân- Gia đình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc mang lại hòa bình thống nhất cho tổ quốc với những truyền thống tốt đẹp và cao qúy đó từ năm 1982 ngày 20/11 đã chính thức trở thành ngày nhà giáo Việt Nam và được tổ chức kỷ niệm hàng năm để tôn vinh những người làm công tác giáo dục.

– Trong giai đoạn hiện nay, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới… Các xu thế xã hội đó đòi hỏi ngành giáo dục phải có những đổi mới cho phù hợp. Chính vì vậy mà yêu cầu của ngành giáo dục trong giai đoạn hiện nay là phải ” Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.

– Trong suốt 45 năm qua với sự ra đời và trưởng thành nay là trường THCS Đức Ninh. Đã có biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành từ mái trường này, góp phần xây dựng cho sự giàu mạnh của quê hương đất nước. Đặc biệt trong những năm gần đây công tác giáo dục của xã nhà đã từng bước được củng cố và nâng lên. Tỷ lệ học sinh giỏi  năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ học sinh chuyển lớp chuyển cấp đạt 98%. Nhà trường thường xuyên đẩy mạnh phong trào thi đua ” Dạy thật tốt – học thật tốt”. giáo dục học sinh ‘ Tiên hoc lễ – Hậu học văn” . Việc đổi mới chương trình, đổi mới cách ra đề, kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng được quán triệt nghiêm túc, thực hiện đồng bộ và có kết quả tốt, hiện không còn học sinh ngồi nhầm lớp.  Đẩy mạnh việc thăm lớp, dự giờ, động viên giáo viên tích cực làm đồ dùng dạy học, có nhiều tiết dạy học có hỗ trợ của công nghệ thông tin. Đẩy mạnh công tác Thanh tra , kiểm tra. nâng cao Chất lượng sinh hoạt chuyên đề. chất lượng giáo viên dạy giỏi được nâng lên. Việc thực hiện nội dung một đổi mới trong năm qua đã đem lại hiệu quả thiết thực. Nghiêm túc chỉ đạo thực hiện chủ đề năm học: ” Tiếp tục Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường, quyết tâm phấn đấu xây dựng nhà trường đạt chuẩn quốc gia năm 2010

– Công tác phổ cập có những kết quả vững chắc, từ 1997 xã đã được công nhận phổ cập giáo dục THCS và đến năm 2001 xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.

– Đội ngũ cán bộ giáo viên được bổ xung và kiện toàn cả về số lượng và chất lượng, hiện có đủ giáo viên dạy đủ tất cả các môn theo quy định. 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Nhà trường luôn Thực hiện tốt công tác công khai dân chủ theo quy định, thực hiện tốt 3 cuộc vận động và 1 phong trào thi đua, Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Tham gia tốt các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, các phong trào ủng hộ, các cuộc vận động do các cấp phát động.

– Công tác phát triển đảng được chi bộ thường xuyên quan tâm, hiện chi bộ có 17 đảng viên chiếm 62%

– Việc xây dựng cơ sở vật chất hàng năm được tăng cường, hiện có đủ phòng học, các phòng chức năng và các phòng hiệu bộ đảm bảo đủ phục vụ cho công tác dạy và học.

– Công tác xã hội hóa giáo dục ở gia đình và cộng đồng tiếp tục được phát huy tác dụng, ngày càng được chăm lo hơn cho thế hệ trẻ, tham gia xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thường xuyên Được cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm. Hội phụ huynh đồng tình ủng hộ đã đóng góp sức người, sức của để tu sửa cơ sở vật chất nhà trường, trong 5 năm qua hội đã ủng hộ với số tiền trị giá gần 200 triệu đồng. Đồng thời còn Huy động các cháu ra lớp, đảm bảo duy trì sỹ số. Vận động học sinh bỏ học tiếp tục ra lớp, phối hợp cùng nhà trường giáo dục đạo đức học sinh. Ngoài ra nhà trường còn được sự giúp đỡ  của các doanh nghiệp trên địa bàn xã  góp phần thúc đẩy sự phát triển giáo dục của xã nhà.

– Kết quả đạt được của công tác xã hội hóa giáo dục đã góp phần nâng cao dân trí, tạo điều kiện cho việc phát triển giáo dục của xã nhà trong thời gian tới. Với những thành tích nêu trên, năm học 2009-2010 nhà trường đã đạt thành tích đáng kể :

+ Chi bộ đảng nhà trường đạt danh hiệu: Chi bộ Trong sạch – Vững mạnh.

+ Tập thể nhà trường đã được UBND Huyện tặng giấy khen và công nhận danh hiệu trường đạt danh hiệu: Tập thể lao động tiên tiến

+ Tập thể tổ xã hội và tổ văn phòng đạt danh hiệu: Tập thể lao động tiên tiến.

+ Công đoàn: Vững mạnh- Xuất sắc

+ Chi đoàn: Mạnh

+ Liên đội xuất sắc cấp huyện.

Ngoài ra 3 Đ/C công nhận chiến sỹ thi đua cơ sở, 10 Đ/c đạt lao động tiên tiến.

+ Học sinh giỏi cấp tỉnh; 4 em . 1 em tham gia thi học sinh giỏi cấp khu vực môn giải toán trên INTNET.

Kính thưa các vị đại biểu !

Kính thưa các thầy cô giáo

Các em học sinh yêu quý!

Nhân dịp kỷ niệm 28 năm ngày nhà giáo việt nam, ôn lại truyền thống của ngành giáo dục và công tác giáo dục xã nhà. Chúng ta rất tự hào về những thành tích đã đạt được của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên của nhà trường – Xong để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao thì mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi học sinh của nhà trường cần ra sức học tập, tu dưỡng và rèn luyện bản thân mình tốt hơn nữa cùng góp phần thúc đẩy  sự nghiệp giáo dục của xã nhà ngày càng phát triển và vững mạnh hơn.

Thay mặt cho các thầy cô giáo trong nhà trường, xin cảm ơn các bậc thầy vĩ đại của cả một dân tộc anh hùng đã cống hiến trọn đời mình cho đất nước.

Xin cảm ơn các đồng chí tiền nhiệm đã đặt nền móng cho những thành quả của nhà trường đó là các thầy giáo, cô giáo đã nghỉ hưu, những người đã dâng trọn cả tuổi thanh xuân của mình vì thế hệ học sinh thân yêu.

Đó là các thầy cô giáo và các đồng chí CBQL đương chức, những người đang chụi thương, chụi khó quên đi vất vả của đời thường để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao quý mà Đảng, nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.

Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo  luôn mạnh khỏe – Hạnh phúc và thành đạt.

Chúc các em học sinh chăm ngoan, học giỏi

Xin trân trọng cảm ơn !

Bình luận về bài viết này